Bài Tuyên truyền: MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG NẮNG, NÓNG CHO ĐÀN VẬT NUÔI VÀ THỦY SẢN

 

Để kịp thời ứng phó với các hiện tượng bất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đối với đàn vật nuôi và thủy sản, hướng dẫn người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi, thủy sản và thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất về chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn xã Gia Phương như sau:

1. Đối với đàn vật nuôi

a) Về thức ăn, nước uống:

- Cân đối khẩu phần thức ăn cho từng đối tượng, giai đoạn phát triển, khai thác của từng loại vật nuôi, nhất là bổ sung nhiều thức ăn rau xanh như rau, cỏ tươi, củ, quả ... và các loại vitamin, glucoza, chất điện giải ...

- Đảm bảo đủ nước sạch, mát và thường xuyên cho vật nuôi uống và dễ ràng tiếp cận.

- Sau những đợt nắng nóng kéo dài, đàn gia súc, gia cầm thường mệt mỏi, sức đề kháng giảm, tăng nguy cơ mắc bệnh, giảm lượng sữa, trứng… vì vậy cần có phương án bổ sung kịp thời các vitamin, chất dinh dưỡng ... nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Tăng cường chăm sóc gia súc non do khi thời tiết nắng nóng sức đề kháng của chúng thấp hơn so với các con trưởng thành.

b) Quản lý, chăm sóc:

- Đối với trâu, bò, dê: Những ngày nắng nóng, nền nhiệt độ tăng cao cần nuôi nhốt vật nuôi trong chuồng hoặc những nơi có bóng mát, dưới tán cây và sử dụng quạt để giảm nhiệt độ, tuyệt đối không chăn thả và tắm gia súc lúc trời nắng nóng;  bố trí cho vật nuôi ăn vào thời điểm mát mẻ lúc sáng sớm hoặc chiều muộn và đêm.

- Giảm bớt mật độ nuôi nhốt:

+ Đối với gia cầm: Gà úm 50 - 60 con/m2, gà 0,5-1 kg nhốt 20 - 30 con/m2, gà 2 - 3 kg nhốt 7 - 10 con/m2. Nếu nóng quá có thể thả ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với gà đẻ, nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần thức ăn, cho ăn thêm rau xanh.

+ Đối với lợn: Mật độ nuôi nhốt đối với nái 3 - 4 /m2/con, lợn thịt là 2 m2/con. Cho uống đủ nước.

b) Về quản lý chuồng trại chăn nuôi:

- Chuồng trại cần được giữ vệ sinh sạch sẽ và thông thoáng, hàng ngày thu gom phân và rác thải, thực hiện ủ phân sinh học, không thải trực tiếp ra môi trường; vệ sinh máng ăn, máng uống không để dư thừa gây ôi thiu;

- Những ngày nhiệt độ cao có thể phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt;

- Có rèm che xung quanh để những ngày nắng nóng mở lên nhằm thoát nhiệt;

- Trồng nhiều cây xanh, che chắn xung quanh để có nhiều bóng mát;

- Có hệ thống cửa để thông gió, nếu có điều kiện nên bố trí quạt thông gió, hệ thống phun sương.

d) Vệ sinh phòng bệnh:

- Đảm bảo nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi và các sinh vật gây bệnh khác;

- Tiêm đầy đủ các loại vacxin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch;

- Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt…(01 lần/tuần) và tẩy giun, sán cho vật nuôi (01 lần/6 tháng);

- Phát hiện sớm gia súc, gia cầm ốm, nhiễm bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời và thông báo với nhân viên thú y xã để tránh dịch bệnh lây lan rộng;

2. Đối với nuôi trồng thủy sản

a) Đối với thuỷ sản nuôi trong ao, ruộng:

- Kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ nước; duy trì mực nước trong ao thường xuyên trên 1,5 m, tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm 10-18h và sáng sớm; những nơi có điều kiện thay nước có thể bổ sung thêm từ 15-20% lượng nước mới vào ao dưới dạng phun mưa (tốt nhất vào sáng sớm).

- Thả bèo tây hoặc dùng lưới chống nắng (cao hơn mặt nước trên 2m) che phủ 1/2 - 2/3 diện tích mặt ao để hạn chế bức xạ ánh sáng mặt trời, ổn định nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho cá.

- Giảm 50% lượng thức ăn khi trời nắng nóng trên 350C; bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho thủy sản.

- Hàng tuần nên sử dụng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao để khử trùng nguồn nước và ổn định pH trong ao (sử dụng vào buổi chiều mát, với lượng 2 - 4 kg vôi bột/100 m3 nước).

- Thường xuyên kiểm tra môi trường và hoạt động của thủy sản nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối; sớm phát hiện những biểu hiện bất thường và kịp thời xử lý; chủ động thu hoạch thuỷ sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm.

- Chuẩn bị sẵn sàng máy sục khí, trang thiết bị cần thiết và nhiên liệu, vật liệu để ứng phó với các biến động môi trường, thời tiết, gió, bão ...; thường xuyên kiểm tra môi trường và hoạt động của thủy sản nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối; sớm phát hiện những biểu hiện bất thường và kịp thời xử lý. Tiến hành thu hoạch khi thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm; hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng hoặc thời điểm nắng nóng trong ngày./.

Nhân viên thú y: Nguyễn Thị Hằng

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH

Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập