Chuyển đổi số là cơ hội vô giá của chúng ta.
Chuyển đổi số cũng là cơ hội lớn của chúng ta trong vòng một vài thập kỷ tới.
Những đột phá về công nghệ số đều thai nghén trong nhiều chục năm mới phổ biến
được vài năm và nhiều chục năm mới có một lần. Chúng ta không tiến khi người
khác tiến là chúng ta đã tụt lại. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ bị tụt lại
sau các quốc gia khác xa hơn nữa, do người đi trước thắng cuộc là người lấy
được tất cả.
Vì sao doanh nghiệp cần chuyển đổi số?
Bởi vì, thị trường luôn
thay đổi, hành vi của người tiêu dùng luôn thay đổi, luôn có một lớp người dùng
mới, nhu cầu mới, yêu cầu những trải nghiệm mới.
Câu chuyện của Kodak
Năm
1975, kỹ sư của Kodak đã phát minh ra chiếc máy ảnh số, nhưng Kodak đã giấu kín
vì lo sợ phát minh này sẽ khiến người tiêu dùng không mua phim và thuốc rửa ảnh
nữa. Thường thì doanh nghiệp càng lớn và càng thành công thì lại càng chậm
chuyển đổi. Kodak tiếp tục bỏ qua nhiều cơ hội chuyển đổi số khác. Nhưng Kodak
không làm thì có người khác làm. Sự xuất hiện của iPhone năm 2007, rồi
Instagram năm 2010 là nguyên nhân trực tiếp khiến Kodak phá sản vào năm 2012.
Vì sao cá nhân cần chuyển đổi số?
Cuộc sống không ngừng vận
động, biến đổi. Mỗi người cũng cần không ngừng học tập, thay đổi, thích nghi,
nếu không sẽ bị bỏ lại ở phía sau.
Tự tôi, ngày nào cũng học
Sinh
thời, Bác Hồ đã nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí 40 tuổi đã cho mình là
già nên ít chịu khó học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là
già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động
cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.
Tại sao nói chuyển đổi số hay là chết?
Trong lịch sử hàng triệu
năm của Trái đất, sự tuyệt chủng hàng loạt và sự hình thành các loài sau đó
diễn ra như một lẽ tự nhiên, do các tác nhân biến đổi là sự thay đổi về khí hậu
hay điều kiện sống. Tương tự như vậy, hàng loạt doanh nghiệp đã bị phá sản vào
những thập niên đầu của thế kỷ XXI.
Từ năm 2000 đến nay, 52%
trong số các doanh nghiệp Fortune đã bị mua lại, sáp nhập hoặc phá sản. Người
ta ước tính rằng 40% các doanh nghiệp tồn tại ngày hôm nay sẽ đóng cửa trong 10
năm tới. Căn nguyên chính là do chậm hoặc thất bại trong việc chuyển đổi số.
Ai làm chuyển đổi thành
công từ môi trường thực sang môi trường số, người ấy sẽ tồn tại. Không chuyển
đổi, không kịp chuyển đổi sẽ bị thay thế, đào thải. Do đó, là chuyển đổi số hay
là chết.
Chuyển đổi số là việc của ai?
Chuyển đổi số là quá
trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Với một tổ chức, vì là sự thay đổi, nên
trước tiên đó là việc của lãnh đạo, của người đứng đầu, vì nếu không thì không
ai dám làm và có thể làm. Vì là tổng thể và toàn diện nên đó là việc của tất cả
mọi thành viên trong tổ chức.
Nhà lãnh đạo chuyển đổi số là ai?
Nhà lãnh đạo chuyển đổi
số là người đứng đầu tổ chức, có tầm nhìn, thiết lập được sứ mệnh cho tổ chức,
có niềm tin là công nghệ số, chuyển đổi số giúp giải quyết những vấn đề nhức
nhối của tổ chức mình và kiên định với mục tiêu đặt ra. Nhà lãnh đạo chuyển đổi
số không nhất thiết và không cần phải hiểu về công nghệ số. Điều quan trọng
nhất đối với nhà lãnh đạo là biết đặt ra bài toán. Nhà lãnh đạo chuyển đổi số
là người có khát vọng thay đổi, là người dám chấp nhận cái mới và dám cho cái
mới một cơ hội.
Chuyên gia công nghệ số là ai?
Chuyên gia công nghệ số
có thể là người bên trong hoặc bên ngoài của tổ chức. Chuyên gia bên trong của
tổ chức là người nhận bài toán từ lãnh đạo và chuyển hóa thành yêu cầu, là
người ra đầu bài thông thái. Chuyên gia bên ngoài của tổ chức là những người
chuyên nghiệp, trong các doanh nghiệp công nghệ số, dùng công nghệ số để giải
quyết bài toán đặt ra. Trên thực tế, nhiều người lầm tưởng chuyên gia chỉ nói
những câu chuyện chuyên môn phức tạp, vì thế, nhiều người tự nhận là chuyên gia
bằng cách biến câu chuyện đơn giản thành câu chuyện phức tạp. Nhưng không phải
vậy, chuyên gia là người có khả năng làm ngược lại, biến câu chuyện phức tạp
thành câu chuyện đơn giản.
Nguồn
sưu tầm